Việc đốt nhiên liệu hóa thạch thải ra một lượng lớn khí carbon dioxide và các loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển. Hình ảnh: Tiff Ng/Pexels

 

 

AUSTRALIA - Úc đang có kế hoạch giảm phát thải dài hạn và tất cả người dân- từ cá nhân đến hộ gia đình và doanh nghiệp - cần hiểu rõ những gì quốc gia đang nỗ lực để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

 

Thế giới đang vật lộn với những tác động của biến đổi khí hậu, với những thay đổi lâu dài về nhiệt độ toàn cầu và các kiểu thời tiết ngày càng trở nên rõ ràng.

 

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt – thải ra một lượng lớn carbon dioxide và các khí nhà kính khác vào khí quyển, dẫn đến nhiệt độ toàn cầu nóng lên, là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

 

Giống như nhiều quốc gia, Úc đã triển khai kế hoạch dài hạn giảm phát thải khí nhà kính nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu và các cá nhân, hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đều có thể tham gia vào giải pháp này.

 

Tiến sĩ Simon Bradshaw nghiên cứu về biến đổi khí hậu với vai trò là Giám đốc Nghiên cứu tại Hội đồng Khí hậu và nói rằng việc giảm phát thải đòi hỏi phải thay đổi cách chúng ta cung cấp năng lượng cho thế giới hiện đại.

 

 

 

Một trang trại gió tạo ra một dạng năng lượng tái tạo. Hình ảnh: Alex Eckermann – Unsplash

 

 

“Úc, cũng giống như hầu hết các quốc gia khác, đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện tại, điều đó có nghĩa là thay đổi rất nhiều, nghĩa là phải thay đổi cách chúng ta cung cấp năng lượng cho ngôi nhà và các ngành công nghiệp của mình. Vì vậy, hãy thay đổi cách chúng ta sản xuất điện, đưa nhiều năng lượng hơn từ mặt trời và gió vào hệ thống điện của chúng ta và nhanh chóng thoát khỏi hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.”

 

Mặc dù năm 2050 nghe có vẻ còn xa, Tiến sĩ Bradshaw cho rằng khung thời gian để hành động nhằm giảm lượng khí thải là rất cấp bách.

“Khoa học cho thấy rõ ràng rằng trên toàn cầu, chúng ta phải giảm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính trong thập niên này và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt. Chúng ta phải giải quyết vấn đề đó một cách khẩn cấp nếu muốn có một tương lai an toàn và thịnh vượng.”

 

 

Dự luật về biến đổi khí hậu

Chính phủ liên bang đã đưa ra Dự luật Biến đổi Khí hậu vào năm 2022, trong đó nêu rõ các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Úc.

 

Aaron Tang, người làm việc về chính sách khí hậu với tư cách là chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro tại Đại học Cambridge, cũng là Tiến sĩ và Giảng viên tại Đại học Quốc gia Úc, giải thích điều này.

"Dự luật về Biến đổi Khí hậu của Úc đặt mục tiêu giảm 43% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2030, và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu lớn."

"Úc trước đây đã gặp khó khăn trong việc duy trì chính sách khí hậu nhất quán ở cấp liên bang. Dự luật về Biến đổi Khí hậu hy vọng sẽ mang lại sự ổn định cần thiết trong tương lai và là nền tảng cho những hành động đầy tham vọng hơn nữa trong tương lai."

 

 

Tiến sĩ Simon Bradshaw, làm việc tại Hội đồng Khí hậu. Hình ảnh: Climate Council

 

 

Lượng phát thải ròng bằng 0 có nghĩa là đạt được sự cân bằng tổng thể giữa lượng phát thải khí nhà kính được tạo ra và lượng phát thải khí nhà kính được đưa ra khỏi khí quyển.

 

Để đạt mức phát thải ròng bằng 0, Tiến sĩ Tang cho biết cần phải đầu tư vào năng lượng tái tạo.

 

Tiến sĩ Bradshaw đồng ý rằng Úc là quốc gia lý tưởng để dẫn đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Dr Simon Bradshaw nói “Chúng ta may mắn vì Úc là một trong những quốc gia có nhiều nắng và gió nhất hành tinh. Vì vậy, chúng ta có tiềm năng to lớn để thay đổi cách sản xuất điện.”

“Một nửa năng lượng của chúng ta là từ việc đốt than. Điều này thải khí nhà kính vào khí quyển. Đầu tư vào những cách khác để sản xuất năng lượng ở Úc sẽ không chỉ giảm lượng khí thải của chính chúng ta và giảm giá năng lượng mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế trên khắp Châu Á Thái Bình Dương. Chúng ta có thể dẫn đầu thế giới trong ngành năng lượng tái tạo.”

 

 

Mọi người đều có thể giúp quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0

Tiến sĩ Bradshaw nói rằng điều quan trọng là việc xem xét những hình thức vận chuyển mà chúng ta sử dụng.

“Bây giờ, hầu hết phương tiện di chuyển của chúng ta chạy bằng xăng và dầu diesel gây ô nhiễm. Chúng ta cần hướng tới một tương lai không còn sử dụng xe hơi, thay vào đó là đi bộ và đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Tất nhiên các chính sách và đầu tư của chính phủ sẽ thực sự quan trọng để kích hoạt điều đó. Ngoài ra, nếu chúng ta vẫn cần sử dụng xe hơi, thì chúng ta sẽ dùng xe điện, loại xe ngày càng có giá rẻ hơn.”

 

Ngoài ra còn có những hành động khác mà tất cả chúng ta có thể làm ở nhà.

 

 

Tiến sĩ Aaron Tang, làm việc tại Đại học Quốc gia Úc. Hình ảnh: Aaron Tang/ANU.

 

"Một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nếu chúng ta hiện đang sử dụng gas để nấu ăn và sưởi ấm, thì hãy ngưng dùng gas và chuyển qua các thiết bị điện. Tất nhiên, điều đó sẽ giảm mức đóng góp vào lượng khí thải, bởi vì khí đốt đang gây ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch và chúng ta cũng có thể làm cho ngôi nhà của mình trở nên lành mạnh hơn."

 

Ông Tang cũng nói rằng những lựa chọn chung của mỗi cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trong việc giảm phát thải.

“Hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể làm. Có rất nhiều hành động hữu ích. Bạn có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, ăn ít thịt hơn, thay đổi dịch vụ ngân hàng hoặc hưu bổng, và tất nhiên là bầu cử! Bắt đầu với thứ gì đó phù hợp với bạn và xây dựng từ đó.”

 

 

Bảo vệ đa dạng sinh học

Tiến sĩ Bradshaw nói rằng việc bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học của thế giới cũng rất quan trọng vì đó là một phần của hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh.

Dr Simon Bradshaw nói “Chúng ta cần bảo vệ các hệ sinh thái, những khu rừng quý giá và những môi trường tuyệt vời khác trên khắp nước Úc, những môi trường rất quan trọng trong việc duy trì khí hậu an toàn và dễ sống cho tất cả chúng ta.”

 

Ông Tang cho rằng hành trình giảm phát thải của Úc sẽ gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có hy vọng.

Ông nói “Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm vượt qua những khó khăn và làm nên những điều tuyệt vời. COVID đã cho chúng ta thấy rằng, khi cần thiết, chúng ta có nhiều khả năng thực hiện các khoản đầu tư lớn và những hành động lớn.”

 

 

Cho dù với tư cách là cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp, tất cả mọi người đều có thể góp phần đạt được mục tiêu giảm phát thải.

 

Tiến sĩ Bradshaw nói "Đây có thể là khoảng thời gian rất đáng sợ khi chúng ta nhìn vào tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra. Nhưng đây cũng là thời điểm thú vị, bởi vì tại thời điểm này, chúng ta phải hình dung lại tương lai, và chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn thông qua hành động thông minh đối với biến đổi khí hậu."