Một bãi rác, phần lớn là đồ nhựa, chất đống bên bờ một con sông ở Banda Aceh, Indonesia. Nguồn: AAP / HOTLI SIMANJUNTAK/EPA

 

 

 

THẾ GIỚI - ‘Hành tinh chống lại nhựa’ là khuyến nghị cho 'Ngày Trái Đất' 2024, khi kêu gọi giảm 60% lượng sử dụng nhựa vào năm 2040. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc đã phát hiện ra là, con người thải ra 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

 

Bà Judith Enck cho biết, bà tránh xa cà rốt đóng gói ở siêu thị, để tránh thứ mà bà gọi là 'quan tài nhựa'.

Bà Judith Enck nói "Thật tiện lợi khi có những củ cà rốt cắt sẵn như vậy, nhưng tôi thích mua cà rốt không có bao bì và bạn chỉ cần rửa sạch và cắt thành từng miếng".

"Chúng thực sự có vị tươi hơn nhiều và rẻ hơn, so với túi nhựa đựng cà rốt".

"Ngay cả những bước nhỏ cũng tạo nên sự khác biệt vì các siêu thị lớn sẽ chú ý, khi mọi người yêu cầu ít nguyên liệu đóng gói hơn".

"Ngoài ra, bọn trẻ của chúng tôi cũng chú ý”.

 

Việc tránh dùng nhựa trong khi mua hàng tạp hóa có vẻ như là một bước nhỏ vì môi trường, nhưng các tổ chức như Liên Hiệp Quốc cho biết mọi quyết định nhỏ, như tránh dùng cà rốt đóng gói, đều có ích.

 

Được biết ‘Ngày Trái Đất ‘là sự kiện thường niên vào ngày 22 tháng 4, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với việc bảo vệ môi trường.

 

Được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 4 năm 1970, sự kiện này hiện bao gồm một loạt sự kiện được điều phối trên toàn cầu bởi earth.org, trước đây là Mạng lưới Ngày Trái đất, bao gồm 1 tỷ người tại hơn 193 quốc gia.

 

Chủ đề chính thức của năm 2024 là ‘Hành tinh Chống lại Nhựa’ và năm 2025 sẽ là năm kỷ niệm 55 năm Ngày Trái Đất.

 

Năm 1969 tại Hội nghị UNESCO ở San Francisco, nhà hoạt động vì hòa bình John McConnell đã đề nghị một ngày để tôn vinh Trái đất và khái niệm hòa bình, lần đầu tiên được cử hành vào ngày 21 tháng 3 năm 1970, ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu.

 

Ngày bình đẳng của thiên nhiên này sau đó đã được phê chuẩn, trong một tuyên bố do ông McConnell viết và được Tổng thư ký U Thant ký tại Liên Hiệp Quốc chấp thuận.

 

Được biết Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo, nhựa hiện là một phần trong thành phần hóa thạch của Trái đất và là dấu ấn cho kỷ nguyên địa chất hiện tại của chúng ta.

 

Các chiến dịch toàn cầu đang yêu cầu, loại bỏ dần các loại nhựa sử dụng một lần, gây ô nhiễm biển và chiếm nhiều chỗ tại các bãi chôn lấp rác trong nhiều thập niên.

 

Những nỗ lực đó đặc biệt được chú trọng, khi Ngày Trái đất 2024 được đánh dấu trên toàn thế giới, với các Giám đốc dự án, như Diego Trincado, đang góp phần bảo vệ môi trường, bằng cách mang lại sức sống mới cho quần áo bỏ đi ở Chile.

 

Diego Trincado nói "Thật sốc, khi có thể xem quần áo tại chỗ và nhìn thấy số lượng quần áo ở nơi đó, cùng với những tình nguyện viên có mặt ở đó".

"Chúng tôi đã khai quật được quần áo đến từ các quốc gia khác, một số có nhãn hiệu và chúng tôi thấy rằng, mình có việc làm và việc gì đó để làm ở đó”.

 

Được biết thế giới hiện sản sinh khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó chưa đến 10% được tái chế.

 

Ở Thái Lan, các thợ lặn đang gỡ thiết bị câu cá bị vướng vào san hô, cũng như các sinh vật dưới biển bị mắc kẹt.

 

Một thợ lặn người Thái Lan nói “Chúng tôi luôn thu thập các ngư cụ bị bỏ đi, chúng tôi có một cộng đồng lặn biển đông đảo, có nhiều cơ quan chính phủ đang làm việc trong hoạt động dọn dẹp này".

"Tuy nhiên dù có thu gom rác thải, nhưng vẫn chưa có sự thu thập số liệu thống nhất".

"Một số người thu gom rác và mang đến bãi rác".

"Có người thu thập và cân, đếm từng mảnh, nhưng vẫn chưa có tiêu chuẩn để thu thập dữ liệu từ chất thải này”.

 

Được biết chủ đề 'Hành tinh chống lại Nhựa' được chọn, có tính đến công ước lịch sử về nhựa của Liên Hiệp Quốc, hy vọng sẽ được thông qua vào cuối năm 2024.

 

Hơn 50 quốc gia trong đó có Úc, đã yêu cầu chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

 

Tại Lima thuộc quốc gia Peru, khoảng 150 tình nguyện viên đã kỷ niệm ‘Ngày Trái Đất’ bằng cách trồng hơn 500 cây xanh.

 

Chuyên viên môi sinh học,, Arturo Alfaro, cho biết họ đã chọn một khu vực khô cằn của thành phố bên bờ sông Chillon, chảy ra Thái Bình Dương để trồng các cây xanh.

 

Arturo Alfaro nói "Một khu vực có rừng thì khí hậu được cải thiện. Bây giờ chúng ta đang ở đây và cảm thấy rất nóng, nếu rừng đã phát triển thì nhiệt độ sẽ thấp hơn".

"Vào ban đêm cây cối tỏa nhiệt và chúng ta có thể có một đêm ấm áp hơn, tất cả chúng ta đều biết về lượng oxy mà rừng tạo ra”.

 

Trong khi đó các cuộc đàm phán đang được tiến hành ở Canada, để tiến đến việc xây dựng hiệp ước toàn cầu đầu tiên, về tình trạng ô nhiễm nhựa gia tăng.

 

Nhưng điều đó sẽ không dễ dàng, khi ngành công nghiệp nhựa và các nhà xuất khẩu dầu mỏ như Ả Rập Saudi, phản đối việc loại bỏ dần nhựa và cho rằng, hiệp ước nên tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng.